Nghề quảng cáo - Càng dấn thân càng thấy mình rõ nét

Nghề quảng cáo - Càng dấn thân càng thấy mình rõ nét 


Những năm gần đây, lĩnh vực quảng cáo như “miền đất hứa” thu hút rất nhiều bạn trẻ say mê sáng tạo, thích viết lách và yêu sự mới lạ mỗi ngày. Huỳnh Vĩnh Sơn, tác giả quyển sách “Ý tưởng này là của chúng mình” vừa ra mắt cách đây không lâu, đã có cuộc trò chuyện rất thú vị cùng Đất Phương Nam.

 Hãy cùng xem trong ánh mắt, con tim của một người sáng tạo trẻ, một Copywriter chuyên nghiệp tại Đất Phương Nam, thì viết ý tưởng là như thế nào, yêu nghề là gì và sống với đam mê ra sao.



 Chào Sơn, được biết anh học Quản trị Kinh doanh nhưng lại trở thành một copywriter. Anh có thể chia sẻ đôi điều về mình, thời gian với nghề quảng cáo đã cho anh những trải nghiệm thế nào? Năm thứ hai đại học, khi tiếp xúc với môn học Marketing tôi nhận thấy rằng mình yêu lĩnh vực này và lập cho mình trang toiyeumarketing.com.

Hơn bốn năm qua với tôi chỉ mới là thời gian bắt đầu. Tôi được nhiều và “bể” cũng nhiều lắm. Thậm chí đến nay ba mẹ tôi vẫn chưa thể hiểu thật ra tôi làm nghề gì. Gần đây khi quyển sách “Ý tưởng này là của chúng mình” ra mắt, thêm những bài báo phỏng vấn, ba mẹ tôi dần hiểu thêm chút ít và bớt buồn hơn mỗi khi tôi xách túi ra khỏi nhà vào cuối tuần.

 Rồi chuyện tình cảm, bạn bè, họ bảo tôi hơi khác người khi đi vào lĩnh vực quảng cáo. Do mọi thứ hoàn toàn khác biệt, mọi người khó có thể hiểu nhau và dần xa nhau. Tôi đã “bấm bụng” hy sinh những tình cảm đó. Nhưng, nghề quảng cáo là một trong số ít môi trường làm việc nuôi dưỡng, trân quý cái tôi của mỗi người. Càng dấn thân vào, tôi càng nhận ra mình rõ nét, chỉ có thể “đậm chất” hơn chứ khó thay đổi.

Một ví dụ để dễ liên tưởng, mỗi nhãn hàng, sản phẩm đều có “cá tính” riêng, và chúng sẽ phù hợp với tính cách của từng chuyên viên quảng cáo. Người thích bụi bặm, hầm hố sẽ chọn làm những nhãn hàng góc cạnh như xe máy, rượu. Người “dịu” một chút thì chọn mỹ phẩm, sữa tắm. Tôi thì thích các nhãn hàng dành cho phụ nữ. Có lẽ vì tôi yêu phụ nữ.

 Làm quảng cáo không bao giờ giàu được. Cho nên những ai vào ngành này mà trụ được một, hai năm thì hẳn họ là người có đam mê ghê gớm lắm. Đã theo “nghiệp” này thì ngay cả đời sống cá nhân cũng phải cho vào guồng máy công việc. Để có một sản phẩm cần trải qua nhiều khâu sáng tạo, quá trình thực hiện. Phải ăn dầm nằm dề, giăng mùng trải chiếu, sống chết với nó.

 Bạn phải hi sinh một phần đời của mình, là phụ nữ càng phải chấp nhận nhiều hơn. Vất vả trăm bề, nhưng bù lại phần thưởng là chúng ta hiểu khá rõ bản thân. Giả sử sau đó nếu có chuyển ngành cũng dễ thành công hơn. Vì họ đã nắm rất chắc những kỹ năng mà tất cả các ngành nghề khác đều cần có.

 Họ viết hay, biết phân tích, đánh giá tình hình, gu thẩm mỹ cao, ăn mặc phong cách, giao tiếp giỏi… Có một điều đặc biệt là “dân" quảng cáo, cứ nửa năm gặp lại bạn sẽ thấy họ khác. Sự đổi thay này giúp họ tìm được cái mới, cái sáng tạo trong nghề chứ không phải đánh mất bản chất.
Oldest